Các khu công nghiệp xanh đang khát điện tái tạo để đối phó với nguy cơ thiếu điện và đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Thế nhưng, điện tái tạo trong khu công nghiệp vẫn vướng...
Khoảng trống chính sách kéo dài 4 năm
Mùa hè năm nay, dù tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên ở phía bắc không diễn ra, nhưng các nhà máy đặt trong các khu công nghiệp (KCN) vẫn phập phồng. Bởi bên cạnh nỗi lo thiếu điện, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều mong muốn sớm tiếp cận được nguồn điện tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn châu Âu, Mỹ, nơi người tiêu dùng đang đặt ra các tiêu chí ngặt nghèo liên quan sản phẩm.
Tuy vậy, gần 4 năm qua, kể từ khi chính sách giá FIT 2 kết thúc (Quyết định 13/2020 hết hiệu lực từ ngày 31.12.2020), vẫn chưa có hướng dẫn bổ sung nào khiến việc phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ sản xuất gần như rơi vào tình trạng bế tắc. Đặc biệt trong các KCN, nơi nhu cầu sử dụng điện lớn, việc tiếp cận điện tái tạo càng khó khăn hơn.
Vance Creek- Exploring Abandoned Mega Bridges
00:16 / 01:43
Theo một thành viên Hiệp hội các DN KCN TP.HCM, từ cuối năm 2020 đến nay, do vướng giá bán điện, không cho phát lên lưới nên một số hệ thống đầu tư phải xả bỏ, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, chưa kể kinh phí đầu tư. "Nhiều DN có sẵn nhà xưởng, kho... nhu cầu sử dụng điện thấp, có thể đầu tư bán cho các DN có nhu cầu tiêu thụ điện lớn trong KCN nhưng không lắp điện mặt trời được. Cơ chế tự sản, tự tiêu đang rất bất cập, gây lãng phí lớn", vị này bức xúc.
Một DN Nhật Bản sản xuất khuôn đúc tại TP.HCM dẫn chứng, công ty đã đầu tư 2 hệ thống điện mặt trời mái nhà tổng vốn đầu tư gần 40 tỉ đồng. Một phần điện dư thừa của hệ thống 1 được ngành điện thu mua, song hệ thống thứ 2 sau khi Quyết định 13/2020 hết hiệu lực, do chưa có hướng dẫn mới nên hơn 4 năm qua không những không được hòa lưới điện mà còn chẳng thu được đồng nào, lãng phí vô cùng. "Đầu tư điện mặt trời áp mái giúp DN tiết kiệm khoảng 350 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Vì thế, việc không thể hòa lưới để sử dụng, cũng như chia sẻ, bán cho các DN trong KCN khiến DN thiệt hại quá lớn", đại diện DN này nói.
Đại diện một công ty có vốn đầu tư 100% Nhật Bản tại Khu công nghệ cao TP.HCM kể, công ty đã ký hợp đồng cho thuê mái nhà lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với một DN. Dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống điện 2,2 MWp, trong đó bên cho thuê mái nhà được sử dụng 90% lượng điện cho sản xuất, 10% còn lại của bên thu mua, phát lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy vậy, giá thu mua điện đến nay vẫn chưa được Bộ Công thương ban hành, nên chưa thể xúc tiến công việc dù hợp đồng đã ký từ cuối năm ngoái.
"Nghị định 80/2024 về cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn) đến nay vẫn còn khá mơ hồ. Chúng tôi không rõ các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo nào được phép tham gia hay từ chối tham gia cơ chế DPPA trong các KCN. Hiện các bên phát điện tái tạo đang bán cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) theo giá FIT cao không muốn tham gia thị trường này, trong khi DN có dự án điện tái tạo chuyển tiếp muốn tham gia, bán với giá thấp hơn nhiều. Như vậy, cùng một thị trường mua điện nhưng có sự không công bằng trong giá điện khi ràng buộc phải "dùng điện lớn" mới mua trực tiếp được…", vị này phản ánh.
Trao đổi với Thanh Niên, đa số DN nhận xét: Khó khăn vướng mắc nhất liên quan điện mặt trời mái nhà trong KCN là… mọi cái không có gì rõ ràng và luôn nhận được câu trả lời chưa có hướng dẫn. Đơn cử, nhà đầu tư điện mặt trời dư thừa bán không được bởi không có hướng dẫn, một số dự án dạng này đang bị "treo" 4 năm qua. Hay DN cần mua điện mặt trời từ mái xưởng hàng xóm cũng không ai duyệt. Rồi muốn đầu tư làm điện mặt trời trong KCN để sử dụng, thừa không được phát lên lưới quốc gia... Hiện dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mới chỉ dừng ở đề xuất nguồn điện thừa này có thể được phát lên lưới, bán thu tiền không quá 20% trên tổng công suất lắp đặt.
Giám đốc một công ty đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Ninh Thuận nói thẳng: Hành lang pháp lý cho đầu tư điện mặt trời mái nhà trong KCN hầu như không được đề cập đến từ sau năm 2020 đến nay, khi cơ chế giá FIT hết hạn. Vì thế, dự án điện mặt trời đang triển khai bị chững lại, kế hoạch đầu tư cũng gác sang một bên, chờ cơ chế mới. "Quy hoạch điện 8 đưa ra đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản, tự tiêu nên các cơ quan quản lý không có cơ sở nào để hướng dẫn cho các DN lắp đặt điện mặt trời trong KCN, muốn bán nguồn thừa lên lưới…
Đến cuối tháng 8, cơ chế điện mặt trời tự sản, tự tiêu cũng đang được bàn thảo. Rồi cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) từ nguồn điện tái tạo (Nghị định 80/2024, ban hành tháng 7.2024) cũng chỉ áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện lớn. Gọi khó khăn thì không đúng mà bế tắc, đụng đâu tắc đó, vì chưa có cơ chế rõ ràng, chưa có hướng dẫn, không ai chịu trách nhiệm. Chúng tôi thấy lúng túng vì không rõ mình có thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Quy hoạch điện 8 hay không. DN sản xuất trong KCN muốn mua điện trực tiếp thì không được vì cơ chế DPPA chỉ áp dụng với "khách hàng sử dụng điện lớn", mà đến nay các hướng dẫn cụ thể sau khi cơ chế này được ban hành vẫn chưa có", vị này nói.
Nên "tháo" cho DN trong KCN mua điện trực tiếp với nhau
Ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp VN, thông tin rằng gần 100% nhà đầu tư KCN đều quan tâm tới KCN sinh thái hay còn gọi là KCN xanh. Đặc điểm mô hình KCN xanh là bắt buộc phải ứng dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tối thiểu 20% DN trong KCN phải áp dụng các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, thân thiện môi trường và giảm phát thải ra môi trường. "Hiện các KCN, khu chế xuất có một số lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp, nhà xuất khẩu. Nếu không thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì đó sẽ là một vấn đề rất lớn. Bởi không có chứng chỉ xanh thì rất khó xuất khẩu. Mà muốn xanh, DN cần mua trực tiếp điện tái tạo để sử dụng", ông Long chia sẻ.
Trong tháng 10 này, Liên chi hội sẽ phát động chương trình thực hiện điện năng lượng mặt trời tại các KCN của các DN hội viên. Thế nhưng việc pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ tại các địa phương đang là rào cản đối với nhà đầu tư KCN xanh, DN thuê nhà xưởng bên trong KCN. Bên cạnh đó, hiện chỉ có vài ngân hàng có sản phẩm về tài chính xanh hỗ trợ DN vay, đầu tư năng lượng tái tạo, nhưng đó cũng chỉ là các sản phẩm riêng lẻ.
Ông Trần Thiên Long đề xuất: "DN đầu tư KCN xanh mong muốn Chính phủ có quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh riêng cho DN, hoặc Ngân hàng Nhà nước có gói hỗ trợ cụ thể hơn để DN có thể thực hiện được việc chuyển đổi xanh một cách đồng bộ, hiệu quả. Thực tế, một KCN, một nhà máy rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của nhà nước. Đặc biệt, nhu cầu dùng điện sạch vô cùng cấp bách. Trong các KCN cần có những công ty phân phối năng lượng chung cho toàn khu. Vì vậy, các chính sách cần tháo gỡ và nhất quán. Nếu không, rất khó cho DN chuyển đổi năng lượng thành công như kỳ vọng", ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, phân tích, với lợi thế VN đang có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, năm 2024 ngành dệt may dự kiến mang về 44 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để đạt con số nói trên là một thách thức rất lớn, trong đó có nhu cầu sử dụng điện tái tạo. Thế nên cần sớm tháo gỡ cơ chế, tạo ra được thế chủ động điện năng cho DN, giúp DN cắt giảm chi phí sản xuất lâu dài. "Giải pháp nhanh nhất là cho các DN trong KCN được mua điện trực tiếp từ các dự án điện mặt trời trong khu để quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của DN nhanh hơn", ông Giang đề xuất.
Tín chỉ xanh là bắt buộc
Theo ông Vũ Đức Giang, ngành xuất khẩu dệt may đang đối diện nhiều thách thức trước áp lực tiêu dùng xanh của các thị trường châu Âu, Mỹ. Thách thức thứ nhất liên quan đến các quy chuẩn hóa nhập khẩu. Đặc biệt, tại 2 thị trường lớn châu Âu và Mỹ, đến nay đều đã đưa ra tiêu chuẩn xanh hóa sản phẩm. Thứ hai là sản phẩm phải sử dụng nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường. Thứ ba, các nhãn hàng thời trang hàng đầu thế giới nay còn yêu cầu phải loại trừ tất cả các nồi hơi (thiết bị quan trọng trong công nghiệp dệt, cung cấp hơi nóng ứng dụng cao cho các thiết bị máy móc hoạt động - NV) bằng than đá, vật liệu thải khí không tốt ra môi trường, phải chuyển sang nồi hơi điện.
"Đây là những điều bắt buộc các DN sản xuất xuất khẩu phải tuân thủ. Vấn đề là chi phí sản xuất cho một sản phẩm dùng nồi hơi bằng điện sẽ tăng lên 10 - 17% so với nồi hơi đốt than, đẩy chi phí sản xuất tăng thêm 15 - 20%. Nhưng nếu có điện từ năng lượng mặt trời áp mái ngay trong nhà máy dệt thì sẽ giải quyết được vấn đề này. DN không phải lo nghĩ chi phí đội lên vì trả tiền điện cao", ông Giang nói.
Doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần điện tái tạo để đạt tín chỉ xanh
ẢNH: KCN PHÚ MỸ 3
Ngoài ra, theo DN, các chỉ số liên quan đến phần tiết kiệm năng lượng, xử lý nguồn nước… là những yếu tố tác động đến chứng chỉ xanh. Quy định của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe, chứng chỉ xanh phải do các cơ quan có uy tín cấp. Thế nhưng cơ quan nào tại VN cấp cho DN thì ngay bản thân họ còn rất mơ hồ.
Ông Vũ Đức Giang kiến nghị, cần có tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là đòi hỏi của tất cả các nhà nhập khẩu, nên ngành điện và một số ngành có tính then chốt phải tính đến và thực hiện gấp. Thứ hai là điều kiện để giữ ổn định cho điện mặt trời áp mái. Hiện nay, lắp đặt điện mặt trời áp mái rất dễ, nhưng kiểm soát các sự cố thì cơ quan nào chịu trách nhiệm cũng chưa được đề cập đến.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Quốc gia Hà Nội), thì đề xuất: Điện mặt trời mái nhà trong các khu, cụm công nghiệp không nên giới hạn lượng tiêu thụ. Có nghĩa là nhu cầu bao nhiêu, cho mua bán trực tiếp bấy nhiêu, không nên quy định dùng 200.000 kWh mới được mua bán trực tiếp. Lý do, việc mua bán và truyền tải điện giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng thông qua lưới điện riêng trong nội khu cho phép sản xuất điện ngay sát phụ tải tiêu thụ, đồng thời chỉ có 1 điểm đấu nối với lưới điện quốc gia. Lượng điện từ các hệ thống, nhà máy điện tái tạo sẽ được phân phối chỉ trong phạm vi KCN, chia sẻ giữa các khách hàng lớn và nhỏ, không phát điện lên lưới điện quốc gia. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và phía khách hàng hoàn toàn có thể tự thỏa thuận và đưa ra các yêu cầu phù hợp với nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng phát điện của mình.
Nên cho phép các nhà máy sản xuất trong các KCN-KCX, cụm KCN được tham gia mua bán điện trực tiếp với nhau. Có như vậy mới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trong nền kinh tế, giúp VN thực hiện đúng lộ trình giảm phát thải ròng về zero.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Cả nước hiện có 428 KCN và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Trong đó, các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao có gần 80.000 DN và nhà đầu tư thứ cấp. Đây là con số rất trọng tâm, trọng điểm để thực hiện việc phát triển điện mặt trời áp mái. Năm 2020, các DN rất hào hứng, quan tâm tới đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, nên chỉ trong vòng 1 năm đã thực hiện được gần 100 MW. Do đó, có thể nói dư địa cho lĩnh vực này trong các khu chế xuất, KCN là rất lớn. Riêng tại TP.HCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư, nếu làm hết điện mặt trời mái nhà cũng phải gần 2.000 MW.
Ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội bất động sản công nghiệp VN
Nguồn: thanhnien.vn