Sơn La - điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Cùng với phát triển kinh tế, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp luôn được quan tâm chú trọng.

 

Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai với diện tích tự nhiên 14.000 km2, lớn thứ 3 của cả nước, dân số đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố; thiên nhiên hùng vĩ, xứ sở của núi rừng, thảo nguyên. Đây là tỉnh hội tụ đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế bền vững của khu vực Tây Bắc.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể trong thu hút đầu tư của Sơn La liên tục được cải thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiềm năng lớn từ hai khu công nghiệp

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La thông tin, theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006, bổ sung tại Công văn số 03/TTg-CN ngày 04/01/2021 trên địa bàn tỉnh Sơn La có 2 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Mai Sơn quy mô 150ha, Khu công nghiệp Vân Hồ quy mô 216,6ha.

Khu công nghiệp Mai Sơn thuộc xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn; cách thành phố Sơn La khoảng 20km, cách thị trấn Mai Sơn 8km; cách Sân Bay Nà Sản 7km, cách đường quốc lộ 6 khoảng 5,7km. Được phân kỳ làm 2 giai đoạn (Giai đoạn I: 63,7ha, Giai đoạn II: 86,3ha).

Tổng mức đầu tư giai đoạn I 285,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp Mai Sơn là khu công nghiệp tập trung đa ngành, có quy mô vừa và nhỏ thuộc các ngành công nghiệp: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; năng lượng; sản xuất dược liệu; công nghệ kỹ thuật cao và công nghiệp khác.

Đến nay, đã có 7 doanh nghiệp, 100% vốn đầu tư trong nước được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp; Các dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực như: Chế biến tinh bột sắn, chế biến lâm sản, san chiết gas, nhũ tương nhựa đường, sản xuất vật liệu không nung và phân bón hữu cơ. Diện tích đất công nghiệp là 48,99ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 40%.

Khu công nghiệp Mai Sơn (Giai đoạn II) với quy mô khu công nghiệp 86,3ha; Khu nhà ở công nhân và tái định cư (phục vụ giải phóng mặt bằng KCN) gắn với khu công nghiệp: Khoảng 18,11ha.

Hiện Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Mai Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1587/QĐ-UBND ngày 23/8/2023 làm cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023-2028.

Khu công nghiệp Vân Hồ thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Theo Đồ án Quy hoạch phân khu được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 thì Khu công nghiệp Vân Hồ có quy mô nghiên cứu lập quy hoạch 240,0 ha.

Trong đó, khu công nghiệp Vân Hồ 216,6 ha; khu tái định cư, nhà ở công nhân 23,4 ha; Quy mô lao động: 2500-4000 người và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 tại Công văn số 3/TTg-CN ngày 04/01/2021.

Với tính chất là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, hướng đến sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; định hướng các ngành công nghiệp chính như: sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử; chế biến dược liệu, nông - lâm sản xuất bằng công nghệ cao.. và dịch vụ logistics.

Thời gian qua, Sơn La tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm.

Tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu; hoàn thành tuyến tránh quốc lộ 6, đoạn qua thành phố Sơn La; cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản và cải tạo nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống đường huyện, xã. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp và Khu công nghiệp Mai Sơn; hình thành và phát triển khu công nghiệp Vân Hồ. Đây có thể xem là tiềm năng, lợi thế lớn để Sơn La thu hút đầu tư trong tương lai.

Sẵn lòng hỗ trợ nhà đầu tư

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2022, Sơn La cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho trên 405 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trong đó, 210 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng mức đầu tư 9.162 tỷ đồng, như: Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ; Nhà máy chế biến chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL...

Nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư tại địa bàn tỉnh Sơn La. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 267/QĐ-UBND về danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.

Danh mục thu hút đầu tư vào tỉnh Sơn La từ nay đến năm 2025 bao gồm 327 dự án thuộc các lĩnh vực: Lĩnh vực nông nghiệp, 92 dự án; công nghiệp, 25 dự án; thương mại dịch vụ - du lịch, 102 dự án; y tế, 1 dự án; giáo dục, 6 dự án; kết cấu hạ tầng, 2 dự án; môi trường, 6 dự án; cấp nước, 8 dự án; khu công nghiệp, cụm công nghiệp với 14 dự án; phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư thu hút 71 dự án.

Trong quá trình triển khai thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, chính quyền tỉnh Sơn La cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, cơ chế chính sách và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cùng với đó, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, cập nhật rõ ràng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh.

Tỉnh Sơn La cũng sẵn sàng hỗ trợ thủ tục pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực, sản phẩm, địa bàn mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, như: phát triển công nghiệp chế biến sâu nông sản; phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm; các khu, cụm công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa về thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Số 09, đường Khau Cả, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Trưởng ban
Giấy phép xuất bản số: 15/GP-TTĐT
Điện thoại: 0212.3851.774 | Fax: 0212.3851.774
Email: bqlckcnsonla@gmail.com
Designed by VNPT | Quản trị
 Chung nhan Tin Nhiem Mang